Muốn phân tích Rung động cần lấy dữ liệu đúng
Không có dữ liệu đo tốt, không thể có kết quả phân tích tốt. Muốn phân tích Rung động cần lấy dữ liệu đúng. Lấy dữ liệu đo là một bước quan trọng nhất của chương trình phân tích rung động.
Dữ liệu rung động có thể cho chúng ta biết rất nhiều về tình trạng của thiết bị. Chúng có thể chỉ ra thiết bị có bị hư hỏng gì không và đã đến lúc phải sửa chữa hay chưa. Bằng việc đo đúng và phân tích phù hợp có thể xác định chính xác hư hỏng đó là gì và mức độ nghiêm trọng của hư hỏng.

Dữ liệu tốt liên quan đến lựa chọn cảm biến và cách gá cảm biến lên vị trí đo:
- Chọn đúng cảm biến cho loại giá trị cần lấy. Đơn vị đo rung động là gia tốc, vận tốc và độ dịch chuyển và cảm biến đo cũng có các loại tương ứng.
- Chọn đúng cảm biến phù hợp với đặc điểm hoạt động của thiết bị, ví dụ như tốc độ quay chậm hay nhanh cần dãi tần số (frequency range) khác nhau; các máy gia công chính xác có mức rung thấp cần sử dụng cảm biến có độ nhạy (sensitivity) cao hơn cảm biến dùng cho các máy có mức rung động mạnh hơn.
- Chọn đúng cảm biến phù hợp với môi trường hoạt động, ví dụ các con lăn trong nhà máy giấy có nhiệt độ rất cao, trong nhà máy lọc hóa dầu phải chống cháy nổ…
- Chọn đúng đồ gá cảm biến: đặt đúng vị trí để lấy được dữ liệu tốt nhất và chọn đúng đầu gá cảm biến với bề mặt tiếp xúc tại điểm đo và đảm bảo cảm biến gá chắc chắn
Để lấy dữ liệu do rung động cho các thiết bị quay phổ biến trong các nhà máy chỉ cần dùng 1 hoặc 2 cảm biến đo gia tốc rung động (accelerometer). Tuy nhiên, tốc độ quay thấp, hay tốc độ cao không thể dùng chung cảm biến. Thiết bị vận hành ở khu vực nguy hiểm, hay không an toàn tiếp cận cần được xử lý khác. Turbine, bơm, quạt lớn dùng bạc trượt cần phải đo bằng cảm biến khác.
Mỗi lần đo rung động nên thiết bị nên ở cùng một điều kiện hoạt động giống nhau, tải giống nhau, đo tại cùng một điểm và cùng một cách gá cảm biến.
Một việc rất giá trị khi thực hiện đo rung động là quan sát và ghi lại tình trạng thiết bị trong quá trình lấy dữ liệu. Hầu hết các máy đo rung động đều có chức năng cho phép người đo nhập các mô tả hay ghi chú về thiết bị. Chức năng này nên được dùng thường xuyên. Những ghi chú tại hiện trường này giúp ích rất lớn cho người phân tích khi kết hợp với dữ liệu đo được để ra kết luận.
Vì vậy, rất quan trọng là người đi lấy dữ liệu đo không chỉ bấm nút đo một cách máy móc mà còn phải nhìn, lắng nghe, và chú ý đến những bất thường của thiết bị. Ghi chú tất cả những gì thấy được tại hiện trường để tham khảo khi làm phân tích.
Hầu hết thiết bị cần được đo rung sau mỗi 30 ngày. Người phân tích và phần mềm phân tích phải nhận thấy sự thay đổi giữa các lần đo.